Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,

Kính thưa các vị Bộ trưởng, Lãnh đạo các địa phương, bộ, ban ngành; Lãnh đạo các Tổ chức Quốc tế, Quý vị Đại sứ và đại diện Ngoại giao Đoàn, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế,

Thưa Quý vị đại biểu,

Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệt liệt hưởng ứng “Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.” Ủy hội hy vọng hội nghị là sự khởi đầu ứng dụng Hướng dẫn về quản lý và sử dụng nước. Hướng dẫn này là một khuôn khổ tổ chức do chính phủ Úc, với thủ tướng Úc kiến nghị với Hội đồng cấp cao về nước do Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới thiết lập trong năm 2016 vừa rồi. Cách thức quản lý và sử dụng tài nguyên nước này được đúc kết từ kinh nghiệm của lịch sử thế giới hàng thế kỷ như 150 năm sông Mississippi, Muray-Darling, Rhine, Danube và tương tự. Tôi mong ước chính phủ ta đứng trên vai của nhân loại để tiến nhanh và tiến vững chắc trong công tác quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước không chỉ riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà trên toàn quốc. Đó là hiến kế thứ nhất của Ủy hội để hội nghị xem xét. Tôi đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành Ủy hội chỉ 16 tháng nữa. Tuy nhiên, theo đuổi cách thức quản lý này là một hành trình lâu dài không chỉ trong 16 tháng tới mà vài chục năm. Kiên trì là kế sách thứ 2.

Thưa Quý vị đại biểu,

Hướng dẫn nêu trên có một nền tảng pháp lý tốt là Hiệp định Mê Công 1995. Chính phủ Việt nam xứng đáng tự hào đã và đang là nòng 

cốt cho hiệp định này. Ta thấy có những hiệp định tương tự trên thế giới như ở sông Nile xanh sau 13 năm thương thảo, quốc gia nằm ở cuối nguồn đã từ chối tham gia. Chính phủ Việt Nam nổi bật với sự khác biệt về tinh thần hợp tác vùng tích cực chủ động này. Tôi lưu ý toàn thể hội nghị một nhận thức sâu sắc Hiệp định sông Mê Công 1995 phục vụ tuyệt đối cho phát triển bền vững của đồng bằng Cửu Long. Theo đuổi hướng dẫn nêu trên sẽ hỗ trợ cho việc củng cố hiệp định Mê Công mạnh mẽ hơn nữa. Ví dụ như việc phân phối nước, chia sẻ nguồn nước, những cơ chế mềm dẻo xử lý biến động nhỏ, tăng cường thực hiện các thủ tục về sử dụng nước sông Mê Công, và vân vân. Đây là kế sách thứ 3 trong nhiều kế sách tiềm ẩn trong hướng dẫn nêu trên.

Hiệp định Mê Công 1995 minh chứng trách nhiệm đặc biệt của các nước khu vực hạ lưu sông đẩy mạnh hợp tác vùng về khai thác, sử dụng, phát triển và bảo tồn tài nguyên nước sông Mê Công. Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long cần có một tầm nhìn khu vực chung cùng với một kế hoạch phát triển lưu vực chung. Ủy hội sông Mê Công quốc tế hiện đang triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược 2016 – 2020. Đây là kế hoạch chiến lược 5 năm lần thứ 2. Ủy hội cũng đang trong quá trình cập nhập chiến lược phát triển toàn lưu vực Mê Công và kế hoạch chiến lược của Ủy hội cho giai đoạn 5 năm tới 2021 – 2025. Kế sách thứ 4 là điều chỉnh phát triển đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với tầm nhìn và chiến lược phát triển lưu vực, tận dụng các công cụ mà Ủy hội tạo ra một cách hiệu quả nhất.

Thưa Quý vị đại biểu,

Ủy hội thừa hưởng và tích lũy kiến thức về sông Mê Công hơn 70 năm qua. Đó là những hiểu biết về:

  • tính dễ tổn thương của đồng bằng sông Cửu Long với sự biến đổi khí hậu,
  • tình trạng gia tăng xói mòn vùng ven biển,
  • tình trạng gia tăng xâm nhập mặn vào vùng đồng bằng,
  • vận chuyển lượng phù sa vào đồng bằng,
  • những tác động của các công trình được xây dựng trên sông Mê Công,
  • tiềm năng phát triển bền vững thủy sản ở đồng bằng,
  • tưới tiêu và v.v…

Kế sách thứ 5 nằm ở chỗ sử dụng các hiểu biết của Ủy hội.

Ủy hội đưa ra sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu từ năm 2007. Sáng kiến lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào quá trình lập kế hoạch và vào các kế hoạch phát triển. Ủy hội đã thiết lập khuôn khổ hoạt động trong lĩnh vực này từ 2009 cho đến 2025. Hoạt động này nhận được kinh phí 14 triệu đô la Mỹ từ các nhà phát triển: Úc, Đan Mạch, Phần Lan, Luxembourg, Đức, Thụy Điển và Liên minh Châu Âu. Hoạt động này bao gồm việc triển khai đánh giá tác động biến đổi khí hậu trên toàn lưu vực. Năm 2011, Ủy hội đã quyết định xây dựng và triển khai chiến lược thích ứng và kế hoạch hành động Mê Công đối với biến đổi khí hậu. Chiến lược và kế hoạch này được tích hợp trong các kế hoạch chiến lược 2011-2015 và 2016-2020. Chiến lược và kế hoạch này là “thông cáo” của các nước ven sông Mê Công xác định các ưu tiên chiến lược ở mức độ vùng đối phó với các rủi ro của biến đổi khí hậu và củng cố khả năng hồi phục của cả khu vực. Các tuyên bố chung của 4 thủ tướng ở Hua Hin 2010 và thành phố Hồ Chí Minh 2014 đều tái khẳng định tầm quan trọng công việc của Ủy hội trong lĩnh vực thích ứng này. Chiến lược và kế hoạch này hỗ trợ các nước ven sông triển khai chiến lược quốc gia của mình. Ủy hội có kế hoạch phê duyệt chiến lược và kế hoạch này cuối năm nay. Ủy hội tha thiết đề nghị Chính phủ Việt Nam và chính hội nghị này về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng các thành quả hoạt động của Ủy hội trong lĩnh vực này. Đây là kế sách thứ 6.

Ủy hội cũng đang khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh 2018 sẽ được tổ chức vào ngày ký kết hiệp định Mê Công tại thành phố Siêm Riệp, Campuchia. Ủy hội mong muốn hội nghị này sẽ đưa ra những thông điệp mạnh mẽ để chiến lược hợp tác chung của lưu vực được tăng cường và hiệu quả hơn nữa.

Ủy hội chúng tôi khẳng định việc “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” đòi hỏi các nước thuộc hạ lưu sông Mê Công cần phải phối hợp các hành động của mình. Chúng tôi tin tưởng rằng hợp tác thông qua Ủy hội sông Mê Công quốc tế phải là trung tâm cho mọi nỗ lực của chúng ta trong lĩnh vực này. Tôi thiết tha đề nghị Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, các ban, các ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, các vị đại sứ và đại diện Ngoại giao đoàn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ủy hội khi mọi người tiến lên phía trước với các nỗ lực của mình.

Chúc hội nghị và chính phủ thành công khởi đầu một hành trình lâu dài “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh của Hiệp định Mê Công 1995.

Trân trọng cảm ơn.